Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chiều 6/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương, làm trưởng đoàn, đang ở thăm chính thức Việt Nam và dự Hội thảo Lý luận lần thứ 8 giữa hai đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên BCT, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc Lưu Vân Sơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ủy viên BCT, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc Lưu Vân Sơn.

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Lưu Vân Sơn dẫn đầu sang thăm và dự Hội thảo lý luận giữa hai Đảng tại Việt Nam và bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, việc tổ chức thành công Hội thảo lý luận lần thứ 8 giữa hai Đảng với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc” sẽ làm phong phú thêm nhận thức, lý luận về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững.

Tổng Bí thư đánh giá cao kết quả của các cuộc hội thảo lý luận giữa hai Đảng, cho rằng việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa hai bên trong quá trình tìm tòi, sáng tạo là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển.

Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng vì hai nước đã vượt qua những khó khăn để duy trì và phát triển mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam-Trung Quốc trên cơ sở phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần quan trọng cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhờ ông Lưu Vân Sơn chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc sức khỏe tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và các vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Trung Quốc; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sẽ thực hiện thắng lợi Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII.

Ông Lưu Vân Sơn bày tỏ vui mừng một lần nữa được đến thăm Việt Nam và dự Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Trung Quốc tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam; giới thiệu một số nét chính về tình hình phát triển các mặt của Trung Quốc gần đây.

Ông Lưu Vân Sơn khẳng định Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn nhìn từ tầm cao chiến lược, hết sức coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhằm củng cố địa vị cầm quyền của mỗi Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Trung Quốc chủ trương trước sau như một cùng phía Việt Nam giải quyết thoả đáng những vấn đề tồn tại trong quan hệ, tăng cường việc củng cố và phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong giai đoạn tới.

Ông Lưu Vân Sơn đánh giá cao ý nghĩa và tác dụng thực tế của các cuộc Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, coi việc xây dựng cơ chế Hội thảo lý luận hai Đảng là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông tin tưởng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa hai cơ quan tuyên truyền, giáo dục của hai Đảng càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng Đoàn, đã tiến hành hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc, do ông Lưu Vân Sơn làm Trưởng Đoàn.

Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước gần đây; trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước; về công tác lý luận, tư tưởng của hai Đảng; đi sâu thảo luận về phương hướng và kế hoạch hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; cũng như một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Nhân dịp này, hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về cơ chế hợp tác, giao lưu giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Văn bản thỏa thuận này đưa quan hệ hợp tác giữa hai Ban ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là phối hợp tốt hơn để cơ quan tuyên truyền của hai Đảng tăng cường chỉ đạo, định hướng dư luận về quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc, góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu đã tham dự các hoạt động trên./.

(TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh họp sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 15/4/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chủ trì hội nghị.

Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 15/4/2011 của Bộ Chính trị.

Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 15/4/2011 của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để mỗi người tốt hơn, trong sáng hơn, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn.
Trước giờ khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự hội nghị đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu bật những mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân, giới thiệu những cách làm hay, những kinh nghiệm, sáng kiến tốt, đề xuất, bổ sung những biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị trong thời gian tới.
Các đại biểu nhấn mạnh, cần đưa việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, trong đó có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và quân ta tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và chuẩn bị kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác, việc tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, soi lại mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư hoan nghênh, thời gian qua các ngành, các cấp đã làm được nhiều việc, có nhiều tìm tòi sáng tạo, nhiều sáng kiến nhằm tích cực triển khai Chỉ thị 03. Kết quả thực hiện thể hiện rõ trong nhận thức và hành động, các cấp, các ngành đã quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà trọng tâm là đẩy mạnh việc làm theo.
Các nội dung học tập và làm theo Bác đã dần được đưa vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, gắn với nhiệm vụ chính trị và chức trách nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, nằm trong các chương trình kế hoạch, phong trào thi đua đang được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai; đã có những chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức, giữ gìn lối sống của cán bộ, đảng viên và trong thái độ ứng xử đối với nhân dân; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm ở địa phương, ngành, đơn vị mình, mang lại kết quả bước đầu và cho kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 nhìn chung còn chậm. Một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương chưa hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm cụ thể được giao trong Kế hoạch của Ban Bí thư, ảnh hưởng đến kết quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị.
Trong tổ chức thực hiện nội dung Chỉ thị, nhiều việc còn lúng túng, nhất là trong các hoạt động cụ thể ở địa phương và cơ sở. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị chưa tạo được sự hồ hởi, phấn khởi, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia. Một số nơi, việc học tập và làm theo gương Bác mới chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức, chưa có các nội dung thiết thực, thiếu sức thuyết phục.
Tổng Bí thư yêu cầu, sau Hội nghị này, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư.
Để bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị 03 ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, cần có nhiều điều kiện, trong đó pháp luật là tối thượng, nhưng đạo đức nhân văn bền vững hơn, pháp trị nhưng còn có đức trị. Vai trò của cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn là rất quan trọng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh lên một bước việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thông qua các chương trình kế hoạch hành động cụ thể, các phong trào thi đua thiết thực, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt việc tốt. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi người tốt hơn, trong sáng hơn, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn.
Theo (TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Hội nghị Trung ương 5 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về vấn đề sửa Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai; Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lập lại Ban Nội chính Trung ương.

Sáng 15-5, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong không khí dân chủ, đổi mới với hơn 750 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường cùng nhiều ý kiến bằng văn bản hoặc sửa trực tiếp vào các dự thảo nghị quyết, kết luận.

Hội nghị Trung ương 5 đã xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng - Ảnh: VGP

Hội nghị Trung ương 5 đã xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng – Ảnh: VGP

Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao ban hành các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới một số chính sách xã hội, tiền lương giai đoạn 2012-2020, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp chặt chẽ, khoa học

Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng của Hội nghị lần này. Tại Hội nghị, Trung ương nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn.

Trung ương cho rằng, các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc - Ảnh: VGP

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc – Ảnh: VGP

Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, Hội nghị thống nhất, cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa XI), tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Đất đai: Hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Hội nghị nhất trí cho rằng: Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn và thực thi đầy đủ, đúng đắn hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước…

Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội và phát triển bền vững. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Trung ương yêu cầu quyền sử dụng đất phải hoà hoà lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư - Ảnh: VGP

Trung ương yêu cầu quyền sử dụng đất phải hoà hoà lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư – Ảnh: VGP

Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp.

Lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị

Trung ương Đảng nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục các nguyên nhân vừa nêu trên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.

Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, TP về phòng, chống tham nhũng; tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lập ban nội chính ở các tỉnh uỷ, thành uỷ.

***

Ưu tiên điều chỉnh tiền lương công chức

Về chính sách xã hội, Trung ương yêu cầu, phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.

Về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, Trung ương yêu cầu, trong năm 2012-2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay; ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 – 2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả. Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

H. Thành (Theo TTXVN)

Tiểu sử Nguyễn Phú Trọng: Tổng bí thư ban chấp hành TW Đảng

Để trả lời cho câu hỏi ông Nguyễn Phú Trọng là ai? là người như thế nào ? Mời các bạn theo dõi những luồng thông tin đúng sự thật về tiểu sử/lý lịch và quá trình hoạt động của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944, xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Ðông Hội, huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội. Nơi ở hiện nay: số 5, phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: học sinh.

Ngày được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức: 5-12-1967.

Ngày vào Ðảng: 19-12-1967; ngày chính thức: 19-12-1968.

Trình độ được đào tạo: giáo dục phổ thông: tốt nghiệp hệ 10 năm.

Chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Ðại học Tổng hợp Hà Nội (hệ 4 năm).

Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Ðảng).

Lý luận chính trị: Cao cấp

Ngoại ngữ: Tiếng Nga

Khen thưởng: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ…

Ủy viên chính thức Trung ương Ðảng các khóa VII, VIII, IX, X.

Ủy viên Bộ chính Trị các khóa VIII, IX, X; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8-1999 – 4-2001).

Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.

Tóm tắt quá trình công tác

1957-1963: Học Trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.

1963-1967: Sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

12-1967 – 7-1968: Cán bộ Phòng Tư liệu, Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí cộng sản).

7-1968 – 8-1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản. Ði thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971); Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).

8-1973 – 4-1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Chính trị, Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.

5-1976 – 8-1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư chi bộ.

9-1980 – 8-1981: Học Nga văn tại Trường Ðảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

9-1981 – 7-1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Ðảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

8-1983 – 2-1989: Phó Trưởng ban Xây dựng Ðảng (10-1983), Trưởng Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản (9-1987); Phó Bí thư Ðảng ủy

(7-1985 – 12-1988), Bí thư Ðảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (12-1988 -12-1991).

3-1989 – 4-1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.

5-1990 – 7-1991: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

8-1991 – 8-1996: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

1-1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt nam các khóa VII, VIII, IX, X.

8-1996 – 2-1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Cán sự Ðại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

12-1997 đến nay: Ủy viên Bộ chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X.

2-1998 – 1-2000: Phụ trách công tác Tư tưởng-Văn hóa và Khoa giáo của Ðảng.

8-1999 – 4-2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị.

3-1998 – 8-2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3-1998 – 11-2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Ðảng (11-2001 – 8-2006).

1-2000 – 6-2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.

5-2002 đến nay: Ðại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.

6-2006 đến nay: Bí thư Ðảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng (tháng 1- 2011), đồng chí đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile

Thúc đẩy quan hệ hợp tác và tăng cường đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước,  Chiều 29/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile do Chủ tịch Guido Girardin Lavin  tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Chile Guido Girardin Lavin và Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Chile sang thăm Việt Nam; đánh giá cao kết quả các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Quốc hội và Nhà nước Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Chile, Guido Girardi Lavin

Chúc mừng những thành tựu của nhân dân Chile trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tổng Bí thư cũng cảm ơn những tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ quý báu mà nhân dân Chile dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo với Chủ tịch Thượng viện Chile một số nét lớn về tình hình Việt Nam gần đây; mong muốn Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ hợp tác, góp phần củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự thịnh vượng của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á, Mỹ La tinh và trên thế giới.

Về phía Chile, Chủ tịch Thượng viện Guido Girardin Lavin chúc mừng những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Chủ tịch Thượng viện Chile thông báo với Tổng Bí thư kết quả của các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Quốc hội, Nhà nước Việt Nam và một số nét lớn về tình hình Cộng hòa Chile gần đây; đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước trong đó có quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp; mong muốn và khẳng định tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Quốc hội, Nhà nước và nhân dân hai nước, đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn./.

Theo (TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tích cực đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào đời sống

Sáng nay (27/2), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt, quán triệt Nghị quyết. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tham dự hội nghị còn có hơn 1.000 đại biểu.

Tại phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị .

Tổng Bí thư nêu rõ: Trong mọi giai đoạn, Đảng ta rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận đã tác động, tạo nên những chuyên biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo Tổng Bí thư có 4 lý do cần thiết phải ban hành Nghị quyết: Thứ nhất trong mọi giai đoạn công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong giai đoạn đất nước đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng.

Thứ hai là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.

Thứ ba là trong thực tế thời gian qua, đã có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá điên cuồng sự nghiệp đổi mới của Đảng ta nhằm xóa bỏ chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng hơn nữa lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo.

Chính vì vậy ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.

Tổng Bí thư cũng phân tích những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trên cả 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, chỉ ra tính chất, phạm vi, xu thế và hậu quả của những yếu kém, khuyết điểm.

Đáng chú ý trong những nguyên nhân chủ quan là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa tốt, bị buông lỏng, không ít nơi có tình trạng dân chủ hình thức; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém, thiếu thẳng thắn, thiếu trung thực…

Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách pháp luật thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời, công tác cán bộ còn nhiều bất cập…. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Việc kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết…

Trên cơ sở xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nêu trên, Trung ương đã chỉ ra các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp giữa “chống và xây” “xây và chống”, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất, cấp bách nhất với 4 nhóm giải pháp.

Đó là Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp về công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng.

Những việc cần làm ngay là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tự giác, gương mẫu, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ nội dung, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham những, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm. Cần đặc biệt chú ý chuẩn bị và tiến hành tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn đạo đức lối sống của bản thân và của người thân trong gia đình.

Về một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm hành động; ngay sau khi kết thúc Hội nghị, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo hướng dẫn của các ban Đảng và cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai có hệ thống Nghị quyết phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, ngành mình; từng cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, phải gương mẫu làm trước…; Phải thực hiện các nhiệm vụ và các giải pháp một cách đồng bộ, tổng hợp, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm…; Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, tránh làm lướt, qua loa, hình thức, chiếu lệ…; Phải đặt việc thực hiện Nghị quyết trong tổng thể thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ… Phải thật sự tự giác, chân thành, công tâm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tập trung nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến để tạo thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cùng trong ngày làm việc hôm nay, Hội nghị đã nghe phổ biến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị; nghe phổ biến hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình của cán bộ, đảng viên; nghe hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm” và Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cuối giờ chiều nay, các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị và góp ý kiến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ làm việc đến ngày 29/3./.

– {http://nguyenphutrong.net/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tich-cuc-dua-nghi-quyet-trung-uong-4-vao-doi-song.html}